Nỗ lực giảm tử vong trẻ sơ sinh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

VHO- Ngày 19.9, Vụ Sức khoẻ bà mẹ và trẻ em, Trung tâm Truyền thông GDSK Trung ương (Bộ Y tế) đã tổ chức Hội nghị Chia sẻ thông tin về chăm sóc sức khoẻ bà mẹ và trẻ sơ sinh tại Việt Nam, trong đó có Tuần lễ “Làm mẹ an toàn”năm 2023.

Tại hội nghị, TS.Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khoẻ bà mẹ và trẻ em cho biết, hiện nay vẫn còn nhiều thách thức về chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em, phòng chống dinh dưỡng trẻ em vùng đồng bào dân tộc miền núi. Trong đó tử vong sơ sinh còn cao, chiếm đến 70 – 80% tử vong trẻ dưới 1 tuổi, 50 – 60% tử vong trẻ dưới 5 tuổi.

Thực tế, tại các gia đình, hầu hết các mẹ chỉ biết cho con ăn no bụng mà chưa quan tâm đến dinh dưỡng trong bữa ăn. Bên cạnh đó, nhiều hộ kinh tế quá khó khăn, không thể đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ. Để khắc phục thực trạng đó, các cán bộ y tế, các giáo viên trực tiếp giảng dạy đã có nhiều cuộc gặp gỡ, trao đổi, để giúp các bậc cha mẹ nắm bắt một cách cụ thể, hướng dẫn chi tiết cách chế biến thức ăn cho trẻ từ những loại thực phẩm có sẵn tại địa phương. Nhờ đẩy mạnh triển khai các hoạt động về y tế đã làm thay đổi nhận thức của phụ nữ trong việc chủ động khám, chăm sóc sức khỏe khi mang thai và nuôi dưỡng trẻ nhỏ. Để công tác phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số thực sự đạt được những kết quả khả quan cần có sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng. Từ đó, góp phần rút ngắn khoảng các giữa trẻ em thành thị và miền núi. Nhưng yếu tố quan trọng vẫn là việc thay đổi nhận thức của chính các ông bố, bà mẹ để có sự chủ động tạo nên những bữa ăn dinh dưỡng cho con mình.

 

Nỗ lực giảm tử vong trẻ sơ sinh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số - Anh 1

Phó Vụ trưởng Vụ Sức khoẻ bà mẹ và trẻ em Trần Đăng Khoa chia sẻ tại Hội nghị

“Vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng khó khăn vẫn có tỉ lệ suy dinh dưỡng cao so với trung bình cả nước là vùng Trung du, miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Tỉ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dân tộc thiểu số cao gấp 2 lần và tỉ lệ suy dinh dưỡng nhẹ cân cũng cao gấp 2,5 lần so với trẻ em là người Kinh; tương ứng là 31,4% so với 15% và 21% so với 8,5%”, ông Trần Đăng Khoa cho hay.

Các nghiên cứu đã chỉ ra một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do thiếu cán bộ chuyên môn sản, nhi, gây mê hồi sức; chỉ có 30% bác sĩ đa khoa làm công tác chăm sóc sản khoa, nhi khoa tại tuyến huyện; trong khi đó cơ sở vật chất, trang thiết bị thiếu, điều kiện vô khuẩn chưa đảm bảo. Cùng với đó, năng lực về cấp cứu sản khoa, sơ sinh (sàng lọc, phát hiện dấu hiệu nguy hiểm, chuyển tuyến, chẩn đoán, tiên lượng và xử trí) còn hạn chế ở những vùng khó khăn.

Cũng theo ông Trần Đăng Khoa, ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, công tác duy trì đội ngũ cô đỡ thôn bản gặp khó khăn do không còn được hưởng phụ cấp, gây khó khăn trong chăm sóc sức khoẻ bà mẹ và trẻ sơ sinh. Bên cạnh đó, nhận thức, hành vi của người dân về chăm sóc thai và sinh đẻ an toàn còn hạn chế.

Trước tình hình này, nhằm tăng sức đề kháng cho trẻ sơ sinh và tăng sức đề kháng cho trẻ em, Bộ Y tế tổ chức Tuần lễ "Làm mẹ an toàn" năm 2023, diễn ra từ ngày 1 – 7.10 với chủ đề “Làm mẹ an toàn – Sức khoẻ cho mẹ, tương lai cho bé” trên địa bàn 51 tỉnh thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.

Mục tiêu của chương trình nhằm tăng cường khả năng tiếp cận của đồng bào dân tộc thiểu số với các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, dinh dưỡng bà mẹ trẻ em góp phần đạt mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.

Nỗ lực giảm tử vong trẻ sơ sinh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số - Anh 2

Cô đỡ thôn bản góp phần giảm tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh

Theo đó, trong Tuần lễ “Làm mẹ an toàn”, mỗi trạm y tế xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tổ chức được ít nhất 1 hoạt động truyền thông về làm mẹ an toàn; 100% phụ nữ mang thai và phụ nữ sau sinh ở địa phương, ít nhất 30% số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, ít nhất 30% số gia đình, đặc biệt là người chồng của phụ nữ mang thai và sau sinh đang làm ăn và sinh sống tại xã được cung cấp thông tin về làm mẹ an toàn.

Bên cạnh đó, tăng cường các hoạt động cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ bà mẹ và trẻ em gồm 3 gói dịch vụ làm mẹ an toàn gồm: Chăm sóc trước sinh; Hỗ trợ chăm sóc khi sinh; Hỗ trợ chăm sóc sau sinh. Trong Tuần lễ "Làm mẹ an toàn", các cán bộ tập trung giới thiệu, quảng bá rộng rãi hơn về lợi ích của việc khám thai định kỳ, quản lý thai nghén; giới thiệu chi tiết các cơ sở cung cấp dịch vụ dự phòng, chăm sóc sức khoẻ bà mẹ và trẻ em có sẵn tại địa phương, bao gồm cả dịch vụ chuyển tiếp, chuyển tuyến… để tăng số lượng bệnh nhân tiếp cận các dịch vụ này.

Phó Vụ trưởng Vụ Sức khoẻ bà mẹ và trẻ em cho biết, chương trình sẽ vận động những người tiêu biểu, người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số, tôn giáo, dòng họ (già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo, trưởng họ, trưởng tộc…) ủng hộ và tham gia các hoạt động của Tuần lễ “Làm mẹ an toàn”. Đồng thời, các Sở Y tế sẽ tổ chức lễ phát động, hội thảo, chiến dịch truyền thông thay đổi hành vi và truyền thông vận động cũng như các hoạt động chăm sóc sức khoẻ bà mẹ và trẻ em.

Liên quan đến tình trạng quảng cáo sữa bột, thực phẩm chức năng dành cho trẻ dưới 6 tháng tuổi, Phó Vụ trưởng Vụ Chăm sóc sức khoẻ bà mẹ và trẻ em cho rằng công tác truyền thông để bà mẹ hiểu tầm quan trọng của giọt sữa đầu đời khi trẻ bú mẹ của trẻ sơ sinh. Cán bộ, nhân viên y tế cũng chưa tư vấn tốt. “Dù đã quán triệt tới tất cả sở là không khuyến cáo sử dụng sữa bột mà hoàn toàn dùng sữa mẹ trong vòng 6 tháng đầu sau sinh và kéo dài đến 24 tháng tuổi. Nhưng nhiều doanh nghiệp, cơ sở y tế vẫn vi phạm quy định”, ông Trần Đăng Khoa nhấn mạnh.

Cũng theo ông Khoa, nhằm với tỉ lệ sinh hiện nay, mỗi ngày mất đi 39 trẻ sơ sinh, trong tất cả các giải pháp can thiệp dẫn đến tử vong, nếu sử dụng các biện pháp can thiệp của trẻ sơ sinh thì con số này có thể giảm được 1/3. Vì vậy cần sử dụng tích cực các giải pháp can thiệp như quản lý thai nghén, biện pháp Kanguru, chăm sóc dinh dưỡng cho bà mẹ 1.000 ngày đầu đời sẽ giúp giảm tỉ lệ trẻ sơ sinh tử vong. “Chúng tôi đã quán triệt thực hiện biện pháp kỹ thuật Kanguru để trẻ được ôm ấp ngay trong những giờ đầu, giúp trẻ được bú mẹ trong giờ đầu tăng nhanh”, đại diện Vụ Chăm sóc sức khoẻ bà mẹ và trẻ em cho hay.

 

Q.HOA

"Vụ Gia đình, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch thực hiện"

Ý kiến bạn đọc